Tổng quan bệnh Tắc mạch ối
Tắc mạch ối hay thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp tuy nhiên lại vô cùng nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, chiếm 1-12/100000 ca dinh, có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong khi mang thai hoặc sau khi sinh xong , không thể đoán trước và dự phòng được.
Tắc mạch ối là gì?
Tắc mạch ối là do nước ối, tế bào thai nhi, tóc, lông tơ hoặc các mảnh tổ chức thai lọt vào tuần hoàn máu mẹ thông qua hệ thống tĩnh mạch nơi nhau thai bám gây ra một phản ứng dị ứng. Phản ứng này gây ra suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính cho mẹ. Giống như một sốc phản vệ. Cơ chế của hiện tượng này chưa thực sự rõ ràng.
Tắc mạch ối ở sản phụ thường xảy ra trong chuyển dạ nhưng cũng có thể xảy ra trong khi mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, chọc hút nước ối, ngay sau khi đẻ, sau mổ lấy thai. một số lý do hay gặp như răng cài răng lược, vỡ tử cung, xót rau.
Thời điểm tắc mạch ối thời điểm xảy ra tắc mạch ối cũng rất khác nhau tùy trường hợp:
- 12% trường hợp xảy ra tắc mạch ối khi màng ối còn nguyên.
- 70% trường hợp xảy ra trong chuyển dạ.
- 11% trường hợp xảy ra sau sinh qua đường âm đạo.
- 19% trường hợp xảy ra trong mổ lấy thai khi đã có chuyển dạ hay khi chưa có chuyển dạ.
Các nghiên cứu ở thời điểm hiện tại cho rằng tắc mạch ối tuy hiếm gặp là một biến chứng sản khoa nguy hiểm nguy cơ tử vong cho mẹ lên đến 90%, tử vong cho con từ 20-60%. Trong số những trường hợp này nếu được chẩn đoán và xử trí kịp thời vẫn có thể cứu sống mẹ và thai nhi.
Cơ chế do 3 hoàn cảnh sau:
- Vỡ màng ối.
- Vỡ tĩnh mạch của tử cung hay cổ tử cung.
- Áp lực buồng tử cung cao hơn áp lực tĩnh mạch.
Vì vậy việc cập nhật chẩn đoán và đưa ra hướng xử trí khẩn trương, đúng đắn là vô cùng cần thiết cho các nhà sản khoa.
Nguyên nhân bệnh Tắc mạch ối
Bình thường nước ối hoàn toàn nằm trong buồng ối, không đi vào tuần hoàn của người mẹ. Khi hàng rào giữa khoang ối và tuần hoàn của người mẹ bị phá vỡ làm cho nước ối đi vào hệ tĩnh mạch của người mẹ qua các tĩnh mạch ống cổ tử cung, qua vị trí rau bám đã bong, qua nội mạc tử cung hay qua nơi tử cung bị chấn thương. Tuy nhiên không phải trường hợp nào nước ối đi vào tuần hoàn người mẹ cũng gây ra tắc mạch ối. Tỷ lệ này chỉ gặp ở một số ít thai phụ. Bệnh có thể liên quan đến phản ứng dị ứng. Do vậy tắc mạch ối chỉ gặp ở một tỉ lệ rất nhỏ những phụ nữ làm cho người ta nghĩ đến vai trò của mức độ, số lượng mảnh mô thai, loại mảng phôi thai hay một số yếu tố nào đó của người mẹ.
Nước ối và tế bào thai qua tĩnh mạch đi tới tim và phổi của người mẹ với một lượng đủ gây ra tắc mạch hay co thắt mạch phổi nghiêm trọng. Biểu hiện trên lâm sàng là tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn nghiêm trọng.
Triệu chứng bệnh Tắc mạch ối
- Giai đoạn đầu: triệu chứng khởi đầu là suy hô hấp, tím tái xảy ra đột ngột trong vài phút, tiếp đến là tụt huyết áp, choáng, phù phổi, biểu hiện thần kinh như lú lẫn mất ý thức và co giật. Theo nghiên cứu có khoảng 40% số bệnh nhân tắc mạch ối qua được giai đoạn này.
- Giai đoạn sau: Nếu người bệnh qua được giai đoạn đầu thì đến giai đoạn này sẽ có biểu hiện chảy máu dữ dội nhiều nơi do đờ tử cung, đông máu rải rác trong lòng mạch, chảy máu từ tử cung không cầm khiến người bệnh rơi vào tình trạng sốc mất máu.
Đường lây truyền bệnh Tắc mạch ối
Đối tượng nguy cơ bệnh Tắc mạch ối
- Sản phụ trên 35 tuổi.
- Con rạ nguy cơ cao hơn con so.
- Mổ lấy thai, đẻ có can thiệp thủ thuật Forceps, giác hút, chọc ối.
- Đa ối, đa thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, sản giật….
- Tổn thương tử cung hoặc cổ tử cung.
- Suy thai, thai lưu.
- Chuyển dạ với cơn co cường tính, chuyển dạ được giục sinh.
Phòng ngừa bệnh Tắc mạch ối
Chưa có biện pháp dự phòng do người ta vẫn không hiểu tại sao nước ối vào tuần hoàn chỉ xảy ra ở một số ít người mà không xảy ra ở nhiều người khác cũng như không biết vai trò của mức độ, số lượng mảnh mô thai, loại mảnh mô thai (có chứa kèm theo phân su hay không) hay một số yếu tố nào đó của người mẹ nên tắc mạch ối chỉ ở một tỷ lệ rất nhỏ phụ nữ.
Biện pháp chẩn đoán bệnh Tắc mạch ối
Chẩn đoán tắc mạch ối như sau:
-
Lâm sàng
- Xuất hiện đột ngột, thường trong lúc chuyển dạ, lúc sinh hoặc sau khi sinh; hiếm xảy ra sau 48 giờ sau sinh.
- Khởi đầu là suy hô hấp, tím tái xảy ra đột ngột trong vài phút và tiếp đến là tụt huyết áp, phù phổi, choáng, biểu hiện thần kinh như: mất ý thức và co giật.
Tiêu chuẩn chẩn đoán Hội sản phụ khoa Hoa Kỳ và Anh khuyến cáo 4 tiêu chuẩn chẩn đoán tắc mạch ối như sau:
- Tụt huyết áp hay sốc tim
- Thiếu oxy cấp tính và suy hô hấp
- Hôn mê hoặc co giật
- Đông máu nội mạch lan tỏa (DIC)
Các triệu chứng trên thường xảy ra trong chuyển dạ, lúc sinh hoặc trong vòng 30 phút sau sinh mà không có các lý giải khác cho các dấu hiệu này.
Cận lâm sàng Các xét nghiệm phục vụ chẩn đoán:
- Công thức máu; đông máu toàn bộ, xét nghiệm khí trong máu.
- X quang phổi: thường không tìm thấy dấu hiệu đặc hiệu, có thể quan sát thấy dấu hiệu phù phổi.
- Điện tâm đồ: có thể thấy nhịp tim nhanh, phần ST và sóng T thay đổi. Tùy từng trường hợp có thể chỉ định các xét nghiệm chuyên biệt khác.
Chẩn đoán xác định
Dựa vào kết quả mổ tử thi: tìm thấy tế bào của thai và thành phần nước ối trong động mạch phổi mẹ.
Biện pháp điều trị bệnh Tắc mạch ối
Tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa nguy hiểm có tỉ lệ tử vong cao tuy nhiên nếu được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời vẫn có một tỉ lệ sống sót. Cấp cứu tắc mạch ối cần được phối hợp bởi các chuyên khoa khác nhau để đem lại hiệu quả cấp cứu, cụ thể:
Nguyên tắc xử trí
- Hồi sức tích cực
- Phối hợp giữa Sản khoa, Gây mê hồi sức và Nhi khoa.
Về mặt gây mê hồi sức: Kiểm soát và hỗ trợ hô hấp – tuần hoàn:
- Duy trì cung cấp oxy cho sản phụ (đặt nội khí quản, thở máy).
- Đặt hơn 2 đường truyền tĩnh mạch, nâng huyết áp bằng dung dịch cao phân tử.
- Hồi sức tim nếu ngừng tim bằng Adrenalin
- Truyền máu và các chế phẩm của máu nếu kết quả đông máu không tốt kèm chảy máu dữ dội: truyền máu toàn phần hay khối hồng cầu và huyết tương,…
- Theo dõi bằng monitor
Về mặt sản khoa
- Cho sinh ngay
- Tùy từng trường hợp cụ thể để có chỉ định phù hợp.
Về mặt nhi khoa: hồi sức sơ sinh tích cực.
Biến chứng
Tắc mạch ối gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm, tỉ lệ tử vong còn cao, cụ thể:
- Tử vong mẹ (lên đến 90%), tử vong con (20 – 60%) do chỉ xử lý được triệu chứng nhằm lấy lại dấu hiệu sinh tồn cho bệnh nhân chứ không giải quyết được nguyên nhân. Xảy ra đột ngột và nhanh chóng nên tỉ lệ tử vong cao
- Hậu quả về tinh thần và vận động cho mẹ và con do thiếu oxy não.
- Hội chứng Sheehan: chảy máu nặng có thể dẫn tới hoại tử một phần hoặc toàn bộ thùy trước tuyến yên gây suy tuyến yên, biểu hiện bằng dấu hiệu vô kinh, rụng lông, rụng tóc, suy tuyến giáp, suy tuyến thượng thận, mất sữa.
- Biến chứng khác: sự mất máu nhiều gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của sản phụ, có thể gây suy gan, suy thận, suy đa tạng, rối loạn đông máu,…