Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Cơ thể phụ nữ khi mang thai sẽ trải qua rất nhiều thay đổi. Đôi khi những thay đổi này sẽ dẫn đến việc cơ thể phụ nữ không thể sản sinh đủ insulin gây ra đái tháo đường thai kỳ. 

1. Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Bệnh đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường và xảy ra trong quá trình mang thai từ tuần thai 24 – 28.

Trong suốt thời kỳ mang thai, đặc biệt xung quanh tuần thứ 24 – 28, nhiều phụ nữ có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, việc chẩn đoán bệnh khi mang thai không có nghĩa là bạn đã bị đái tháo đường trước đó, hoặc bạn sẽ bị đái tháo đường sau khi sinh. Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, tỷ lệ mắc bệnh là khoảng 9,2%. Bệnh xuất hiện khi mức đường máu của thai phụ trong thời gian mang thai cao hơn giá trị bình thường, tuy nhiên phần lớn các thai phụ sẽ trở về mức đường máu bình thường sau khi sinh.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Trong suốt thời kỳ mang thai, cơ thể mẹ có sự tăng sản xuất hormone từ nhau thai nhằm duy trì sự phát triển của thai nhi. Tuy hormone này cần thiết để thai nhi phát triển nhưng đồng thời cũng gây ra tình trạng tăng sự đề kháng với insulin ở cơ thể mẹ.

Trong giai đoạn này, tụy sẽ tăng cường sản xuất insulin nhiều hơn để vượt qua tình trạng đề kháng này. Đôi khi, tuỵ lại không thể đáp ứng đủ insulin để duy trì mức đường huyết ổn định cho cả mẹ và thai nhi. 

Khi điều này xảy ra, cơ thể sẽ trải qua tình trạng thiếu hụt glucose trong các tế bào dẫn đến tích tụ một lượng lớn glucose trong máu, dẫn đến tình trạng đái tháo đường thai kỳ. 

3. Bốn yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ

  • Tuổi: Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ cao mắc phải.
  • Tiền sử bản thân và gia đình như:
    • Nếu bạn hoặc người thân cận trong gia đình như bố hoặc mẹ mắc đái tháo đường type 2
    • Mẹ từng bị đái tháo đường ở lần mang thai trước
    • Có tiền sử sinh con nặng cân và thai lưu không rõ nguyên nhân
  • Cân nặng: Thừa cân trước khi mang thai cũng là một yếu tố nguy cơ.
  • Tiền sử đẻ con cân nặng > 4kg

4. Biến chứng của đái tháo đường thai kỳ

Nếu không được kiểm soát tốt, đái tháo đường thai kỳ có thể dẫn đến những biến chứng cho thai nhi và mẹ như:

4.1. Biến chứng ở thai nhi:

  • Nếu mẹ bầu bệnh từ trước và không được kiểm soát tốt trong 3 tháng đầu sẽ dẫn đến nguy cơ cao dị tật thai nhi.
  • Sảy thai, sinh non và thai dễ chết lưu trong bụng khi chưa đến ngày sinh
  • Thai nhi có cân nặng quá lớn, dẫn đến khó khăn trong quá trình sinh và phải sinh mổ.
  • Trẻ sinh mổ có nguy cơ suy hô hấp và chấn thương, dễ bị nhiễm trùng hơn so với đẻ thường
  • Bé có nguy cơ mắc phải tình trạng đường máu thấp (hạ đường huyết).
  • Có nguy cơ cao bị béo phì và mắc đái tháo đường type 2.

4.2. Biến chứng ở mẹ:

  • Tiền giật sản: huyết áp cao, protein niệu quá mức trong nước tiểu, phù chân và bàn chân. Tiền sản giật có thể dẫn tới những biến chứng nặng hoặc thậm chí đe dọa tính mạng cho cả mẹ và thai nhi.
  • Đái tháo đường thai kỳ ở lần mang thai sau: Có nguy cơ cao bị lại ở lần mang thai tiếp theo. Mẹ cũng có nguy cơ trở thành đái tháo đường type 2 trở về sau.

Đái tháo đường thai kỳ không chỉ là vấn đề sức khỏe cá nhân mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Việc hiểu rõ về nguyên nhân và thăm khám nhận tư vấn từ bác sĩ sẽ giúp mẹ bầu có thể duy trì một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn hơn.

Hotline Chat Zalo Messenger Đặt lịch