Tiểu đường (đái tháo đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, trong đó cơ thể không sử dụng được glucose do thiếu hụt sản xuất insulin hoặc không sử dụng được insulin hoặc cả hai. Bình thường cơ thể lấy năng lượng từ các thành phần glucose, lipid, protein. Trong đó glucose cung cấp nguồn năng lượng chính cho các tế bào, cho não, cơ…hoạt động. Nhưng muốn sử dụng được glucose thì cần phải có insulin. Insulin là một hormone do tuyến tụy nội tiết sản xuất ra. Insulin giúp cho đường (glucose) từ máu di chuyển vào tế bào, từ đó chuyển hóa và tạo ra năng lượng
Tiểu đường gồm hai thể chính là tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Tiểu đường tuýp 2 là bệnh mà có sự đề kháng insulin, có nghĩa là cơ thể sử dụng rất kém insulin (mặc dù insulin vẫn tiết ra). Phản ứng tự nhiên của cơ thể là sẽ càng tăng tiết insulin trong giai đoạn đầu, đến một lúc nào đó tế bào beta đảo tụy suy giảm chức năng, không thể tiết insulin đầy đủ, lúc đó cần phải cung cấp insulin ngoại sinh cho cơ thể. Trước đây tiểu đường tuýp 2 được gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin, nhưng hiện nay nó không còn thực sự đúng nữa. Vì như đã trình bày, đến một thời điểm vẫn phải cung cấp insulin ngoại sinh cho cơ thể.
Tiểu đường tuýp 2 có nguy hiểm không?
Tiểu đường tuýp 2 không gây nguy hiểm đến tính mạng ngay lập tức (trừ khi có biến chứng cấp tính như hôn mê tăng áp lực thẩm thấu) nhưng về lâu dài nó gây ra nhiều biến chứng mạn tính, gây tổn thương nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể (mạch vành, thận, cơ quan tiêu hóa..). Nếu bệnh nhân bị tiểu đường mà mắc thêm các bệnh lí khác như nhiễm trùng, chấn thương, nhồi máu cơ tim…tiên lượng sẽ xấu hơn nhiều so với người không mắc tiểu đường.