Các dấu hiệu mang thai sớm nhất thai kỳ

Khi mang thai, cơ thể phụ nữ sẽ trải qua quá trình thay đổi nội tiết tố đáng kể. Quá trình này sẽ đi kèm theo các dấu hiệu mang thai và từ đó, bạn có thể nhận biết được là mình đang mang thai hay không. Các dấu hiệu mang thai sẽ tuỳ thuộc vào thể trạng mỗi người. Bạn có thể kiểm tra các dấu hiệu dưới đây xem mình có đang mang thai không nhé!

1. Trễ kinh

Trễ kinh có thể là dấu hiệu sớm khi bạn mang thai. Tuy nhiên, một vài phụ nữ vẫn có thể ra một ít máu khi đến chu kì khi bắt đầu mang thai. Ngoài ra, trễ kinh cũng có thể do bạn quá căng thẳng hoặc mệt mỏi.

2. Buồn nôn hoặc nôn ói

Hơn một nửa các phụ nữ khi mang thai sẽ có tình trạng ốm nghén. Các dấu hiệu như buồn nôn và nôn, chán ăn. Ốm nghén không chỉ xảy ra vào buổi sáng mà còn có thể xuất hiện suốt cả ngày.

Ốm nghén thường bắt đầu vào khoảng tuần thứ 4 đến tuần thứ 6 của thai kỳ và có thể thuyên giảm vào tuần thứ 12. Nhưng tình trạng này có thể kéo dài hơn hoặc quay trở lại vào khoảng tuần thứ 32.

3. Đau ngực

Khi mang thai, bạn có thể sẽ thấy ngực sưng đau và nhạy cảm hơn. Những thay đổi này tương tự như những thay đổi bạn có thể nhận thấy trong vài ngày trước kỳ kinh. Khi mang thai, vùng da quanh núm vú trở nên sẫm màu hơn và các tĩnh mạch ở vú cũng lộ rõ hơn.

Cảm giác đau tức ngực sẽ thuyên giảm sau khi kỳ tam cá nguyệt đầu tiên khi cơ thể bạn đã thích nghi được với những thay đổi nội tiết tố.

4. Mệt mỏi

Mệt mỏi quá mức là điều thường gặp trong khoảng thời gian đầu khi bạn mang thai. Điều này rất có thể là do sự gia tăng lớn của hormone giới tính progesterone. Progesterone cần thiết để duy trì thai kỳ và giúp em bé phát triển, nhưng nó cũng làm chậm quá trình trao đổi chất của bạn.

Cố gắng ngủ nhiều hơn hoặc nghỉ ngơi khi có thể trong giai đoạn đầu này. Mức năng lượng của bạn có thể sẽ tăng trở lại vào khoảng tháng thứ tư của thai kỳ khi nhau thai đã hình thành tốt.

5. Đi tiểu thường xuyên

Mang thai làm tăng lượng chất lỏng trong cơ thể và làm tăng năng suất của thận. Tử cung nở ra cũng ép vào bàng quang. Những điều này khiến cho bàng quang của bạn đầy nhanh hơn, vì vậy bạn phải đi tiểu thường xuyên hơn.

Tình trạng đi tiểu thường xuyên sẽ tiếp tục hoặc tăng tần suất khi thai kỳ của người phụ nữ tiến triển hơn. Lượng máu của bạn cũng tăng lên đột ngột khi mang thai, dẫn đến lượng chất lỏng được xử lý và kết thúc trong bàng quang của bạn. Vấn đề còn phức tạp hơn khi thai nhi đang lớn dần lên trong bụng mẹ và tạo ra nhiều áp lực hơn lên bàng quang.

6. Thèm ăn

Thèm ăn một số loại thực phẩm rất phổ biến trong khi mang thai, đặc biệt là những thực phẩm cung cấp năng lượng và canxi, chẳng hạn như sữa và các sản phẩm từ sữa khác. Bạn cũng có thể nhận thấy bạn đột nhiên chán ghét những món ăn mà trước đây bạn thích.

7. Táo bón

Khi mới mang thai, tình trạng táo bón có thể là triệu chứng đầu tiên mà bạn dễ dàng nhận thấy. Nguyên nhân gây ra vấn đề này xuất phát từ sự gia tăng của hormone progesterone, giúp thư giãn các cơ quan trơn trên khắp cơ thể, bao gồm cả đường tiêu hóa. Điều này khiến cho thức ăn đi qua ruột chậm hơn và dẫn đến tình trạng táo bón.

8. Thay đổi tâm trạng

Một số phụ nữ mới mang thai gặp phải những thay đổi về tâm trạng như khó chịu. Những phụ nữ mang thai khác trải qua cảm giác phấn chấn. Điều này được cho là do hormone thai kỳ ảnh hưởng đến các chất hóa học trong não, gây ra những thay đổi về tâm trạng.

Nếu bạn cảm thấy chán nản hoặc “suy sụp” khi mang thai thì điều cực kỳ quan trọng là bạn phải được giúp đỡ sớm. Bạn cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia ngay lập tức để sớm tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết cho vấn đề này.

9. Đầy hơi

Sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể trong giai đoạn đầu mang thai có thể khiến bạn bị đầy hơi. Tình trạng này đôi khi tương tự như cảm giác của một số phụ nữ ngay trước kỳ kinh nguyệt. Đây cũng là lý do tại sao bạn cảm thấy quần áo trở nên chật hơn bình thường, nhất là phần vòng eo, ngay cả khi tử cung của bạn vẫn còn khá nhỏ.

10. Thân nhiệt tăng cao

Bạn có thể đang mang thai nếu nhiệt độ cơ thể của mình tăng cao trong hơn hai tuần.

11. Chảy máu âm đạo nhẹ hoặc lấm tấm

Hiện tượng chảy máu âm đạo nhẹ có thể là điềm báo mang thai sớm ở phụ nữ. Nếu bạn chỉ nhìn thấy những đốm máu màu hồng trong khoảng thời gian đến kỳ kinh nguyệt, đó có thể là máu báo thai. Điều này xảy ra do trứng đã thụ tinh lắng xuống niêm mạc tử cung của người phụ nữ, dẫn đến chảy máu âm đạo.

Theo nghiên cứu, có khoảng 1⁄4 phụ nữ bị ra máu lấm tấm hoặc ra máu nhẹ trong kỳ tam cá nguyệt đầu tiên. Điều này là hoàn toàn bình thường, nhưng đôi khi đó có thể là dấu hiệu của sự sảy thai hoặc mang thai ngoài tử cung. Nếu bạn bị chảy máu âm đạo nhiều, hoặc kèm theo cảm giác đau và choáng váng, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và khắc phục kịp thời.

12. Kết quả thử thai dương tính tại nhà

Nhiều xét nghiệm thử thai tại nhà có thể không đủ nhạy để phát hiện mang thai một cách chính xác cho đến khoảng một tuần sau khi trễ kinh. Vì vậy, nếu bạn quyết định thực hiện xét nghiệm thử thai sớm hơn thời gian đó, và nhận được kết quả âm tính, bạn nên thử lại trong vài ngày sau đó.

Thông thường, thai nhi sẽ bắt đầu phát triển trước khi bạn phát hiện mình đang mang thai, vì vậy hãy chăm sóc sức khỏe cho bản thân thật tốt trong khi chờ đợi để phát hiện và theo dõi các triệu chứng mang thai sớm hơn.

Khi bạn nhận được kết quả dương tính sau khi làm xét nghiệm thử thai, hãy lên lịch khám thai định kỳ với bác sĩ sản khoa để kiểm tra sự phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ.

 

Hotline Chat Zalo Messenger Đặt lịch