ĐAU LƯNG Ở PHỤ NỮ MANG THAI

Đau lưng trong thời kỳ mang thai là một triệu chứng khá phổ biến, nó chiếm khoảng 80% các thai kỳ. Triệu chứng đau lưng trong thai kỳ thường tăng dần theo tuổi thai và xảy ra ở vị trí thắt lưng, nơi tiếp giáp giữa cột sống với xương chậu.

 1. Tăng cân:

Khi người phụ nữ mang thai thường tăng cân > 10Kg, thậm chí có những người tăng > 20Kg. Việc tăng cân nhiều trong một thời gian ngắn như vậy đã tạo một gánh nặng cho cột sống và hai đầu gối, là những phần quan trọng giúp nâng đỡ cơ thể.

2. Thay đổi trọng tâm:

Bình thường vị trí thắt lưng của cột sống người đã cong và ưỡn ra phía trước. Khi mang thai tử cung lớn đổ về phía trước (đặc biệt những người sinh con rạ, thành bụng nhão), làm cho cột sống thắt lưng bị ưỡn nhiều hơn.

3. Nội tiết tố thai kỳ:

Những nội tiết tố của thai kỳ làm cho các dây chằng và khớp xương của cột sống (đặc biệt là cột sống thắt lưng) và vùng chậu giãn ra và căng hơn. Điều này làm suy yếu chức năng của các dây chằng khiến phụ nữ đau lưng, đau khớp vệ và đau vùng chậu.

4. Sự tách của cơ thẳng bụng:

Khi tử cung lớn lên làm bụng căng ra có thể làm cho 2 cơ thẳng bụng bị tách ra (là cơ thẳng đi từ đầu của các xương sườn đến xương mu), điều này khiến cho người phụ nữ bị đau lưng và có nguy cơ thoát vị thành bụng nếu tình trạng tách cơ nhiều và không hồi phục.

5. Stress:

khi mang thai tâm trạng của người phụ nữ rất nhạy cảm, dễ tổn thương, dễ bị stress. Khi bị stress các cơ dựng sống (cơ phía sau lưng bên cạnh các cột sống) co cứng gây đau lưng.

  1. Ngoài ra đau lưng ở người phụ nữ mang thai còn có thể do tư thế sai trong sinh hoạt, làm việc hàng ngày: đứng quá lâu, ngồi lâu sai tư thế, cúi nhiều,…

Triệu chứng đau lưng có thể từ nhẹ xuất hiện khi đứng hoặc ngồi lâu cho đến nặng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, thậm chí không thể đi hoặc đứng được. Nhiều phụ nữ bị đau lưng và nghĩ rằng đây là vấn đề đương nhiên có trong thai kỳ, nên cố gắng chịu đựng. Tuy nhiên chứng đau lưng trong thai kỳ có thể hết sau khi sinh, nhưng cũng không ít trường hợp kéo dài sau sanh và trở thành mãn tính. Như vậy cần phải có cách giải quyết triệu chứng đau lưng trong thai kỳ, giúp chất lượng cuộc sống người phụ nữ mang thai tốt hơn, cũng như không dẫn đến tình trạng đau lưng mãn tính sau sanh.

1. Luyện tập thể dục:

Việc luyện tập thường xuyên và đều đặn trong thai kỳ giúp làm giảm bớt tình trạng đau lưng trọng thai kỳ. Đối với những trường hợp đau nhiều tốt nhất nên được tập luyện với huấn luyện viên hoặc các chuyên gia vật lý trị liệu chuyên cho người phụ nữ mang thai.

2. Nóng và lạnh:

Việc chườm nóng hoặc lạnh cũng có thể làm giảm triệu chứng đau lưng. Việc dùng một khăn lạnh (có thể dùng túi lạnh chuyên dụng) chườm vào vùng lưng trong 20 phút và thực hiện vài lần trong ngày. Sau khi chườm lạnh 2-3 ngày, triệu chứng giảm bớt chuyển sang chườm nóng. Dùng khăn ấm hoặc túi nước ấm chuyên dụng chườm vào vị trí đau. Tuyệt đối không chườm nóng lên vùng bụng trong suốt thời kỳ mang thai.

3. Massage:

xoa bóp vùng lưng (đặc biệt vùng thắt lưng) giúp giảm đau. Thai phụ ngồi ngồi áp mặt vào lưng ghế hoặc nằm nghiêng (giữ lưng thẳng) và nhờ người massage hai bên cột sống, tập trung vào vùng thắt lưng.

4. Tư thế đúng:

Để tránh áp lực và gây tổn thương cột sống người phụ nữ cần:

Tư thế đi, đứng, ngồi đúng

lưng thẳng, kéo thẳng hai vai về phía sau. Tư thế ngồi phải thật vững sao cho hai chân có thể nâng lên nhẹ nhàng. Chọn ghế ngồi có phần tựa và đặt thêm chiếc gối nhỏ phía sau lưng. Hãy chú ý thay đổi tư thế, vị trí thường xuyên, tránh đứng quá lâu. Nếu phải đứng, hãy đứng trụ trên một chân để chân còn lại có thể nghỉ ngơi và đổi chân trụ thường xuyên. Thường xuyên thay đổi tư thế để tránh bị ứ trệ tuần hoàn và căng cứng các cơ: nếu ngồi lâu thì khoảng 30-60 phút đứng dậy đi lại hoặc đứng lâu thì 30-60 phút ngồi nghỉ ngơi

Nâng đỡ bụng

Có thể sử dụng đai nâng bụng hoặc mặc quần lưng thun dày nâng đỡ phần bụng để tránh bụng bị đổ về phía trước làm cột sống thắt lưng ưỡn quá mức. Nên đeo đai sau 20 tuần tuổi thai và đeo khi đi làm, sinh hoạt, tối về có thể tháo đai ra.

5. Tư thế ngủ:

khi ngủ nên nằm nghiêng và thay đổi tư thế thường xuyên để tránh bị mỏi. Mỗi lần thay đổi tư thế từ ngồi sang nằm, từ ngồi sang đứng hoặc ngược lại cần nhẹ nhàng, tránh thay đổi tư thế đột ngột. Nằm và ngồi trên mặt phẳng, không nên dùng đệm quá mềm.

Tóm lại đau lưng là triệu chứng khá thường gặp ở phụ nữ mang thai. Người phụ nữ mang thai cần duy trì chế độ luyện tập phù hợp để có thể giảm triệu chứng đau lưng. Nếu triệu chứng đau lưng nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày người phụ nữ cần đi khám để có thể phát hiện những bất cần điều trị sớm như thoát vị đĩa đệm.

Hotline Chat Zalo Messenger Đặt lịch