Nguyên nhân và nguy cơ gây thai lưu

Thai lưu là một trong những biến chứng thai kỳ đáng lo ngại, gây ra nhiều nỗi đau và tổn thương cho cha mẹ. Để giảm thiểu nguy cơ gặp phải tình trạng này, hãy cùng tìm hiểu về những nguyên nhân và nguy cơ gây ra thai lưu cũng như các biện pháp phòng ngừa mà mẹ bầu nên lưu ý.

1. Nguyên nhân thai lưu là gì?

Một tỷ lệ lớn thai chết lưu xảy ra ở những thai nhi khỏe mạnh mà không thể giải thích được. Tuy nhiên vẫn có một số nguyên nhân đã được tìm ra, giúp ích không nhỏ cho việc dự phòng thai lưu.

1.1 Do biến chứng của nhau thai

Nhau thai là cơ quan rất quan trọng, đóng vai trò cung cấp máu và các chất dinh dưỡng cho sự sống và sự phát triển của thai nhi. Khoảng một nửa trường hợp thai chết lưu có liên quan tới bất thường của nhau thai, đặc biệt là tình trạng nhau thai tách ra khỏi tử cung, còn gọi là bóc tách nhau thai.

Hiện nay các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nhằm tìm ra tác động cụ thể hơn của biến chứng nhau thai đến tình trạng thai chết lưu.

1.2 Các nguyên nhân thai lưu khác

Dưới đây là một số nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra thai chết lưu ở mẹ bầu:

  • Chảy máu (xuất huyết) trước hoặc trong khi chuyển dạ;
  • Nhau bong non: Là tình trạng bánh nhau bong ra khỏi tử cung trước khi em bé chào đời, có thể biểu hiện bằng chảy máu hoặc đau bụng ở người mẹ;
  • Tiền sản giật: Một biến chứng thai kỳ gây ra huyết áp cao ở mẹ bầu;
  • Vấn đề về dây rốn: Dây rốn có thể sa vào tử cung trước sinh (sa dây rốn), ngăn chặn việc cung cấp oxy cho bé trước khi bé tự thở được; có thể quấn chặt hoặc thắt nút quanh cổ và chân tay của thai nhi;
  • Ứ mật trong thai kỳ hay ứ mật sản khoa (ICP): Một rối loạn ở gan gây triệu chứng ngứa dữ dội cho phụ nữ mang thai;
  • Dị tật bẩm sinh, có hoặc không bất thường nhiễm sắc thể;
  • Bệnh lý có sẵn ở người mẹ, ví dụ bệnh tiểu đường, tăng huyết áp;
  • Tiếp xúc với các tác nhân độc hại trong môi trường khi mang thai, ví dụ thuốc trừ sâu hay carbon monoxide (CO);
  • Tiền sử người mẹ hoặc trong gia đình có người bị huyết khối, viêm tắc tĩnh mạch hay thuyên tắc phổi;
  • Nhiễm trùng khi mang thai.

1.3 Các bệnh lý nhiễm trùng gây thai lưu

Các bệnh lý nhiễm trùng khác có thể gây ra thai chết lưu bao gồm:

  • Rubella: Đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu. Virus truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn này có thể gây dị tật thai nhi;
  • Cúm: Các chuyên gia khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin phòng cúm theo mùa, vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ;
  • Parvovirus B19: Loại virus gây hội chứng “má đỏ” – một dạng nhiễm trùng phổ biến ở trẻ, rất nguy hiểm cho phụ nữ mang thai;
  • Virus coxsackie: Gây bệnh tay chân miệng;
  • Cytomegalovirus: Một loại virus phổ biến lây lan qua chất dịch của cơ thể, chẳng hạn nước bọt hay nước tiểu, gây một số triệu chứng ở người mẹ;
  • Herpes simplex: Loại virus gây mụn rộp sinh dục và lở miệng;
  • Listeriosis: Loại bệnh nhiễm trùng xảy ra sau khi thai phụ ăn thực phẩm nhiễm vi khuẩn listeria monocytogenes, có nhiều trong sữa và các sản phẩm từ sữa không được bảo quản lạnh thích hợp, ngoài ra còn thấy ở pate, thịt tươi sống hoặc đông lạnh,…
  • Leptospirosis: Bệnh nhiễm khuẩn do lây lan từ loài chuột;
  • Lyme: Bệnh lây truyền từ bọ chét sang người và động vật, hiếm gặp;
  • Sốt Q: Bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn từ động vật như cừu, dê, bò;
  • Toxoplasmosis: Nhiễm trùng do ký sinh trùng trong đất hoặc phân mèo;
  • Sốt rét: Loại bệnh nhiệt đới nghiêm trọng do ký sinh trùng Plasmodium lây truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi đốt.

2. Các yếu tố nguy cơ gây

Những trường hợp phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị thai chết lưu bao gồm:

  • Mang song thai hoặc đa thai;
  • Thai nhi suy dinh dưỡng;
  • Phụ nữ trên 35 tuổi;
  • Phụ nữ hút thuốc, uống rượu hoặc lạm dụng thuốc trong thời kỳ mang thai;
  • Béo phì, với chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30;
  • Có bệnh lý nền trước khi mang thai, ví dụ động kinh.

3. Phòng ngừa thai lưu

Các biện pháp thai lưu bao gồm:

  • Không hút thuốc, tránh những nơi có khói thuốc;
  • Tránh uống rượu và sử dụng ma túy khi mang thai. Những tác nhân này có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và thai chết lưu, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi;
  • Đi khám thai định kỳ đầy đủ để theo dõi sát diễn biến sức khỏe của em bé;
  • Đảm bảo mức cân nặng khỏe mạnh trước khi quyết định mang thai;
  • Bảo vệ bản thân khỏi các bệnh nhiễm trùng và tránh ăn các thực phẩm không tốt cho thai kỳ;
  • Nếu thấy có biểu hiện đau bụng hoặc xuất huyết, phải thông báo cho bác sĩ sớm nhất có thể (ngay trong ngày);
  • Theo dõi cử động thai và trao đổi với bác sĩ nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường;

Để bảo vệ mẹ và bé trong suốt thai kỳ, mẹ nên theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và bé toàn diện bằng cách khám thai định kỳ ở các cơ sở y tế uy tín. Mẹ nên thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, tầm soát quan trọng cho sản phụ, nhận tư vấn và can thiệp kịp thời khi phát hiện những bất thường trong sức khỏe của mẹ và bé.

Hotline Chat Zalo Messenger Đặt lịch