Nguyên nhân gây dư ối

Dư ối khi mang thai không chỉ là một vấn đề phổ biến mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Vậy nguyên nhân gây dư ối là gì?

1. Nước ối là gì?

Túi ối được tạo ra khoảng ngày thứ 12 sau khi trứng thụ tinh. Trong quý đầu của thời kỳ thai nghén, nước ối có tính đẳng trương và tương tự như huyết tương của người mẹ. Trong quý hai và nửa sau của thời kỳ thai nghén dịch ối trở nên nhược trương.

Thể tích nước ối tăng dần cho đến đầu của 3 tháng cuối thai kỳ và từ đó hằng định đến khi thai đủ tháng. Trong giai đoạn tuần thứ 37 đến tuần thứ 41, thể tích nước ối giảm đi 10%. Từ tuần thứ 42 trở đi, thể tích nước ối giảm đi rất nhanh, khoảng 33% trong một tuần.

2. Dư ối là gì?

Dư nước ối hay rối loạn nước ối là tình trạng có quá nhiều nước ối hình thành trong thời thai kỳ. Dư nước ối hiện là tình trạng khá thường gặp. Nước ối được cho là bình thường khi đạt 250 – 600 ml lúc thai nhi từ 16 – 32 tuần tuổi. Lượng nước ối tăng dần theo tuổi thai và đến khoảng tuần thứ 34 của thai kỳ nước ối sẽ lên 800ml và duy trì cho đến khi thai nhi 36 tuần tuổi sẽ đạt mức cao nhất 1000ml. Sau đó, sẽ giảm dần còn khoảng 600 – 800ml vào khoảng thời gian trước khi sinh. Bà bầu bị dư nước ối khi lượng nước ối vượt quá trên 2000ml.

Để chẩn đoán đa ối, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm và lấy kết quả ước lượng gián tiếp về thể tích nước ối. Mẹ được chẩn đoán dư ối khi chỉ số nước ối (A.F.I: amniotic fluid index) qua siêu âm từ 12-25cm . Đa ối là quá 25 cm.

3. Dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng dư ối

Dư ối khi mang thai thường không có dấu hiệu rõ ràng ở những giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên có một số dấu hiệu chị em có thể chú ý như:

  • Bụng to hơn so với tuổi thai.
  • Số đo vòng bụng (qua rốn) tăng đột ngột.
  • Khó thở và khó tiêu thức ăn.
  • Cảm giác căng trước ổ bụng.

Thông thường mẹ bầu sẽ bị dư ối ở tuần thứ 30, tuy nhiên cũng có một số mẹ bầu bị dư ối ở tuần thứ 20 của thai kỳ.

4. Nguyên nhân gây dư ối

Các yếu tố có liên quan bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường khi mang thai.
  • Vấn đề về hệ tiêu hóa làm hạn chế việc nuốt nước ối của thai nhi.
  • Các vấn đề về hệ thần kinh trung ương hoặc nhiễm sắc thể có thể làm cho thai nhi không thể nuốt nước ối đủ.
  • Nhiễm trùng bẩm sinh.
Tiểu đường thai kỳ có thể là nguyên nhân gây dư ối

4.1. Đối tượng dễ mắc phải

Tình trạng dư ối khi mang thai có thể ảnh hưởng đến mọi phụ nữ trong mọi lứa tuổi. 

Một số phụ nữ có nguy cơ mắc cao hơn như:

  • Đa thai
  • Tiền sử bệnh tiểu đường
  • Vấn đề về hệ tiêu hóa 
  • Vấn đề gen di truyền.

4.2. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng sau:

  • Khó thở
  • Đau bụng
  • Chướng bụng

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất. Mẹ cần thăm khám định kỳ thai nhi trong suốt quá trình mang thai để tránh những vấn đề không mong muốn xảy ra nhé!

Hotline Chat Zalo Messenger Đặt lịch