Theo dõi cử động thai như thế nào?

Chắc chắn rằng mẹ bầu luôn muốn biết em bé đang phát triển và cử động như thế nào trong bụng phải không ạ? Dưới đây là một số thông tin chi tiết và hướng dẫn theo dõi cử động thai mà mẹ bầu cần biết.

1. Cử động thai là gì?

Cử động thai (hay còn gọi là thai máy) là các hoạt động tự nhiên của thai nhi trong tử cung bao gồm: co, duỗi, xoay trở và đạp chân. Đây là những cử động thể hiện rõ nhất tình trạng sức khỏe của bé trong bụng mẹ.

Cử động thai (hay còn gọi là thai máy) là các hoạt động tự nhiên của thai nhi

2. Thai được bao nhiêu tuần thì có cử động mạnh?

Thường thì trong khoảng 3 tháng giữa thai kỳ, cử động thai sẽ không được đều và rõ ràng. Thai nhi cử động thai máy rõ ràng nhất sẽ là từ tuần 22 đến tuần thai thứ 34. Mẹ biết cách theo dõi sức khỏe của thai nhi trong bụng qua những lần thai máy là một phương thức tích cực và đơn giản nhất để cùng bác sĩ theo dõi thai nhi tốt nhất. 

3. Hướng dẫn theo dõi cử động thai 

Để theo dõi cử động thai, các mẹ bầu cần phải chú ý, nhạy cảm bởi lẽ những cử động cũng giống như những tiếng gõ nhịp vào thành bụng nên nếu không chú ý thì rất khó để nhận biết những điều này.

Theo khuyến cáo của Hiệp Hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ thì các mẹ bầu nên tính thời gian để cảm nhận hết 10 cú đá, cựa quậy, cú huých, hoặc cuộn tròn. Lý tưởng nhất là cảm nhận được ít nhất 10 cử động trong vòng 2 giờ. Tuy nhiên, với những thai nhi khỏe mạnh, hiếu động thì mẹ vẫn có thể cảm nhận được 10 chuyển động trong thời gian ngắn hơn.

Để chắc chắn thì các mẹ nên chuẩn bị cho mình một cuốn sổ theo dõi. Trong sổ ghi lại thời gian đã cảm nhận cử động thai đầu tiên, đánh dấu “X” cho mỗi cử động cảm nhận được cho đến khi đạt được 10 lần, tiếp sau là ghi lại thời gian của cử động thứ 10. Việc làm này sẽ giúp các mẹ theo dõi các kiểu cử động và xác định được thông thường phải mất bao lâu để thai máy 10 lần.

Cách thức theo dõi cử động thai cũng vô cùng đơn giản, các mẹ chỉ cần đếm số cử động thai vào các buổi sáng, trưa, chiều hay tối, hoặc nếu bận thì có thể đếm ít nhất một lần trong ngày trong vòng 30 phút. Trong trường hợp thai nhi ngủ thì sẽ không có cử động thai, tuy nhiên thời gian ngủ chỉ trung bình từ 20 phút đến 2 giờ.

4. Nhận biết kết quả

Một thai nhi khỏe mạnh sẽ có hơn 4 lần cử động trong vòng 30 phút, mỗi ngày sẽ cử động nhiều hơn 3 lần. Nếu trong 1 giờ có trên 4 thai máy thì chứng tỏ thai nhi khỏe mạnh. Nếu trong 4 giờ mà có ít hơn 10 cử động thai, hay tất cả những cử động thai yếu thì mẹ cần đi khám để theo dõi tình trạng thai nhi thêm bằng những phương pháp khác.

Thai máy bình thường khác với cơn gò vốn thường làm cho bụng cứng lên hay méo lệch sang 1 bên, theo dõi cử động thai hàng ngày là việc làm cần thiết để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi, đây là phương pháp đơn giản, không tốn kém mà hiệu quả cao. Nếu tập được thói quen theo dõi thai máy thì các mẹ sẽ kịp thời phát hiện thai bị yếu và có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh để xảy ra tình trạng xấu.

Trong trường hợp nếu mẹ bầu đã tuân thủ hướng dẫn theo dõi cử động thai nhưng không cảm nhận thai máy sau 2 giờ, hãy chờ thêm một vài giờ và thử lại. Sau khi thử lần thứ hai, nếu vẫn không cảm nhận được thì nên đến bệnh viện để nhân viên y tế tiến hành theo dõi thai nhi.

Thai máy phản ánh sức khỏe của thai nhi vì vậy khi thai máy bất thường rất có thể đó là biểu hiện của sinh non, suy thai, thai lưu. Bạn nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để được khám và can thiệp. Ngoài ra, bạn cũng nên khám thai thường xuyên để theo dõi sự phát triển của trẻ.

Hotline Chat Zalo Messenger Đặt lịch