Siêu âm thai nhiều có tốt không?

Siêu âm thai là công cụ quan trọng giúp theo dõi sự phát triển của bé yêu trong bụng mẹ. Vậy việc thực hiện siêu âm nhiều có tốt không và cần lưu ý những gì?

1.Các loại siêu âm thai chính hiện nay

Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng âm thanh để tạo hình ảnh của thai nhi trong tử cung. Quá trình siêu âm được thực hiện theo từng giai đoạn của thai kỳ để kiểm tra sự phát triển của thai nhi và ước tính tuổi thai. Nếu thai nhi phát triển bình thường, việc tiếp tục siêu âm trong các tháng tiếp theo sẽ được đề xuất cho sản phụ cho đến khi sinh. Trong trường hợp nghi ngờ về bất kỳ vấn đề nào, bác sĩ có thể quyết định thực hiện siêu âm theo dõi thường xuyên hoặc sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp MRI để kiểm tra chi tiết hơn.

1.1. Siêu âm thai qua âm đạo (Transvaginal ultrasound)

Với loại siêu âm này, một thiết bị dạng đũa gọi là đầu dò sẽ được đặt trong âm đạo của sản phụ để phát ra sóng âm thanh và thu thập các sóng phản dội lại để tạo nên hình ảnh của thai nhi. Siêu âm qua âm đạo được sử dụng trong những tháng đầu mang thai. Ngoài ra, loại siêu âm này cũng có thể được thực hiện nếu siêu âm vùng bụng không cung cấp đủ thông tin.

1.2. Siêu âm vùng bụng 

Siêu âm được thực hiện bằng cách di chuyển đầu dò trên thành bụng của sản phụ.

  • Siêu âm 3D: Loại siêu âm này đôi khi được sử dụng để giúp bác sĩ phát hiện các bất thường trên khuôn mặt hoặc khuyết tật ống thần kinh của thai nhi.
  • Siêu âm Doppler: Siêu âm Doppler đo những thay đổi nhỏ trong sóng siêu âm khi chúng bật ra khỏi các vật thể chuyển động, chẳng hạn như tế bào máu. Kỹ thuật có thể cung cấp chi tiết về dòng tuần hoàn máu của thai nhi.
  • Siêu âm tim thai: Kỹ thuật này nhằm kiểm tra và cung cấp hình ảnh chi tiết về trái tim của thai nhi, sau đó, bác sĩ sử dụng để xác định các dị tật tim bẩm sinh.

2. Siêu âm nhiều có tốt không?

Siêu âm không gây ra bất kỳ tổn thương lâu dài nào cho sự phát triển của thai nhi trong tử cung. Theo một nghiên cứu gần đây đã so sánh sự phát triển của khoảng 2.700 trẻ từ 1 đến 8 tuổi, trong đó một nửa số trẻ được siêu âm ít nhất năm lần trong thời kỳ mẹ mang thai, và nửa còn lại chỉ được siêu âm một lần.

Kết quả cho thấy kích thước của trẻ sơ sinh và sự phát triển ngôn ngữ, hành vi cũng như sự phát triển thần kinh không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm này. Điều này góp phần củng cố rằng việc thực hiện siêu âm định kỳ không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong tương lai.

3. Lưu ý cho các mẹ thời điểm siêu âm cần thiết:

  • Tuần 6 – 10: Siêu âm giúp xác định vị trí của thai, số lượng thai (đơn hoặc đôi), và kiểm tra sự sống của thai (tim thai) để xác định thai đã vào tử cung hay chưa.
  • Từ tuần 11 – 13: Đo khoảng sáng sau gáy (double test) giúp dự đoán các bất thường nhiễm sắc thể như bệnh Down, dị dạng tim, dị dạng tay chân… để có kế hoạch can thiệp sớm.
  • Từ tuần 22 – 24: Siêu âm này tập trung kiểm tra sự phát triển của thai bằng cách kiểm tra các cơ quan và cấu trúc quan trọng như cột sống, hộp sọ, não, tim, phổi, thận, cánh tay và chân của thai nhi. Nó cũng có thể phát hiện các dạng sứt môi, hở hàm ếch, hoặc dị dạng ở các cơ quan nội tạng.
  • Từ tuần 30 – 32: Siêu âm kiểm tra động mạch, tim, cấu trúc não và dây rốn để đảm bảo việc vận chuyển dinh dưỡng cho thai diễn ra tốt, kiểm tra vị trí của nhau thai và đánh giá tình trạng nước ối.

Các mẹ nên đi siêu âm định kỳ để theo dõi sức khoẻ và sự phát triển của con. Nên lưu ý chọn những cơ sở y tế và bác sĩ chuyên môn cho một hành trình làm mẹ an toàn và khoẻ mạnh nhé.

Hotline Chat Zalo Messenger Đặt lịch